Lúc nào đi ra khỏi thành phố cũng thấy thoải mái và nhẹ nhõm, quan trọng nhất là tha thẩn chụp được cây cỏ hoa lá, cảnh đẹp, và học được mấy điều thật là hay.
Nếu ở bên trong thành phố New York thì hầu như chả bao giờ thấy rõ được cái vị của “người Mỹ” đâu cả, bởi vì xung quanh lúc nào cũng là….cả thế giới, đủ cả châu Âu châu Á châu Phi châu Mỹ…..đủ các sắc tộc và màu da, các nền văn hóa pha trộn lẫn nhau, khó lòng mà thấy được cái gì thật sự “đúng là American Pie” ở đây. May ra đi vào những khu công sở hoặc những khu dành riêng cho dân Mỹ trắng còn có thấy một chút, nhưng ngay cả những người Mỹ này cũng….rất đặc trưng New York.
Nhưng mà chỉ đi tách xa ra khỏi thành phố một tí tẹo thôi, đã thấy màu Mỹ trắng ngày càng rõ nét, hay là văn hóa cũng khác dần đi rồi.
Nhưng mà hôm nay không có nói nhiều về văn hóa của người Mỹ vì….cũng chưa hiểu hết, chỉ là nói về một phong cách rất thú vị trong cách dạy con của họ.
2 ngày cuối weekend là tớ theo Hương đi ra ngoại ô chơi, nằm dọc Hudson river và đón lễ kỉ niệm 400 năm dòng sông được phát hiện và mang tên Hudson. Đủ cả hát hò, nhảy nhót, pháo hoa, họ tổ chức rất nhẹ nhàng và gần gũi, từng gia đình mang con cái tới rải bạt, ăn uống, nhảy múa, có ban nhạc “làng” đứng hát phục vụ, hát cả cho tới khi pháo hoa đã nổ đùng đoàng bên kia sông. Không khí rất nhẹ nhàng và đầm ấm, tựu chung bằng chữ “bình yên”.
Tớ để ý, bố mẹ ở đây chơi với con rất nhiệt tình, và những đứa con cũng tham gia những hoạt động vui chơi cùng bố mẹ rất tự nhiên, chả ngại ngùng, y như bạn bè vậy. Trong lúc ban nhạc đứng hát thì bên dưới mọi người thoải mái nhảy nhót, thích nhất là nhìn cái cảnh mấy cô cậu bé tí tẹo nhảy, con gái thì nắm tay bố xoay vài vòng, con trai thì nắm tay mẹ nhảy đung đưa. Ông bố bà mẹ nào cũng còng hết lưng lại để có thể nhảy với con mình, còn bọn nó, thì chả e ngại gì, thích được nhảy giống người lớn, giống những anh chị xung quanh. Có lẽ văn hóa Á Đông của bọn mình không có kiểu như vậy, với bố và mẹ lúc nào cũng có cả một khoảng cách khá lớn, ít khi có được sự thân thiện và gần gũi (theo kiểu như vậy). Có thể bây giờ cái khoảng cách nó đã được hiện đại hóa và gần gũi hơn, nhưng ngay cả bây giờ, thế hệ như bọn tớ đã làm bố làm mẹ, những anh chị lớn hơn tớ chút xíu thì cũng có con lớn cỡ vậy, nhưng mà cả những dịp Lễ, Tết trung thu, tổ chức vui đùa với trẻ con, toàn thấy một là….trẻ con tự chơi với nhau, hai là….bố cháu nhảy với…mẹ cháu khác, đó kiểu hiện đại bây giờ là nó thế!
Còn bây giờ bảo tớ nhảy với bố tớ, á á, thấy kỳ kỳ à. Nhưng rõ ràng đây là do quan điểm văn hóa khác nhau, còn thực chất, tớ nghĩ, nó thật là hay, chả kỳ gì cả!
Tớ thích cho những đứa con tham gia vào những hoạt động vui chơi chung, tạo cho bọn nó gần gũi và thân thiện với bố mẹ từ lúc bé (như bố mẹ đáng làm bạn để chơi hơn chỉ là chỉ bảo và ra lệnh). Lớn lên tí mà nghĩ đi chơi với bố mẹ là thấy buồn chết đi được rồi. Mà hơn nữa, bố mẹ và con cái gần gũi với nhau, mọi thứ trong gia đình cũng thấy dễ dàng chia sẻ và thú vị hơn rất nhiều. Vậy nên, tớ note cái này lại, để sau này sẽ cố gắng áp dụng lên mấy đứa con của mình.
Tóm lại, tuy là chưa chồng chưa con gì, nhưng mà mọi thứ liên quan tới dạy dỗ trẻ con hay ho, là tớ không bỏ sót cái nào hết, tớ lưu ý hết.
2 hôm đó tớ ở cùng một gia đình ông bà người Mỹ, mà tớ hóa ra vốn biết từ lúc còn bé xíu, họ rất yêu mến Việt Nam và hầu như năm nào cũng chồng hoặc vợ dẫn con về VN thực tập hay làm việc một thời gian. Đúng kiểu một gia đình trung lưu trí thức điển hình. Tớ để ý cách họ nói chuyện và cư xử với các con, rất lạ so với kiểu gia đình truyền thống Việt Nam. Thằng bé lớn có 16 tuổi đã râu ria già sọm, có bạn gái tới nhà chơi, là để cho riêng 2 đứa một góc ngồi nói chuyện, xem TV, nếu bố mẹ hay thằng em nhỏ vào là sẽ gõ cửa đàng hoàng, còn nếu bọn nó mà buôn chuyện điện thoại thì 0 có ra nằng nặc đòi phone hay nghe trộm, làm phiền. 2 vợ chồng nói chuyện với nhau say mê về chuyện bạn gái của thằng con trai, nói về 2 đứa giận nhau này nọ, mà không hề coi đó là chuyện “vặt vãnh” hay “trẻ con”, lúc nào cũng có một sự tôn trọng nhất định và khá nghiêm túc. Bù lại, bọn trẻ con kia cử xử lại với bố mẹ rất tôn trọng, đủ hiểu cái gì mình nên làm hay không nên làm. Nếu ngẫm ra, thay vì cấm đoán bọn nó (mà không thể được ấy), thì rèn luyện ý thức cho nó tự giác và hiểu những gì mình làm, có cách gì hơn là thể hiện bằng sự tôn trọng và thẳng thắn?
Thích nhất là lúc ông bố đãng trí lỡ mồm nói ra “bí mật” nào đó của cậu con trai để đến nỗi ai cũng biết, thế là thằng con bày tỏ không vui, và ông bố đàng hoàng xin lỗi: “I am sorry”, lời xin lỗi không gượng ép và tự nhiên đúng kiểu một người mắc lỗi với một người khác chứ không kiểu ngượng ngùng hay “ban phát” của bố với con, hay tệ hơn là còn chả bao giờ xin lỗi. Họ xin lỗi và cảm thấy không bị tổn thương hay là “hạ giá” vị trí phụ huynh của mình. Sau đó, ông ấy lại nói lại cái lỗi nào từ thủa xưa của thằng con và nó phản ứng: “I don’t want to talk about it anymore”, và ông ấy gật đầu chấp nhận ngay ,như thể bố lỡ lời rồi, đúng là không nên nhắc lại những lỗi xưa cũ. Cái này thì…á, mẹ tớ là master của sự ngược lại, hehehehe.
Dù sao thấy vậy thật là thoải mái và nhẹ nhàng, không bị ức chế và thật dễ nói chuyện, thông cảm với nhau hơn.
Tất nhiên là tây có cái dở của tây, ta có cái dở của ta, nhưng chả phải cái gì hay của mỗi bên mà học được một tí có phải là tốt nhất không? Mọi thứ xảy ra vậy tớ đều để ý và note lại hết, cố hình thành cho mình một cái ý thức về những phong cách như vậy, để sau này áp dụng cho gia đình của mình. Nói chung, khi đi đâu, làm gì, nhìn vào người nào đang hạnh phúc hay đau khổ, cố học được xem vì sao họ hạnh phúc, cố xem vì sao họ đau khổ, cố xem vì sao họ giữ được thật nhiều giá trị thật bền lâu, sau đó có thể tự áp dụng và biến cải theo trường hợp của mình, không thể nào hữu ích hơn.
Nói chung về cái sự dạy dỗ con cái thì còn nhiều điều thú vị và đáng học hỏi ghê gớm. Chả phải đợi đến lúc có con thì mới nghĩ ra cách dạy con, mới nhận ra những việc đó là quan trọng (mà tệ hơn là còn chả nhận ra được gì). Nói chung tớ nghĩ, lấy chồng và có con muộn một tí cũng được, nhưng mà lúc nào cũng nên chuẩn bị cho mình một tâm lý làm vợ, làm mẹ tốt nhất, biết mình sẽ làm gì là tốt cho những đứa con của mình, điều đó mất cả một quá trình khá dài để trải nghiệm và quan sát. Tớ không thích việc mình cứ bụp phát làm mẹ mà tâm lý và mọi thứ đều chưa chuẩn bị, tớ biết chắc chắn mình sẽ làm mẹ, sẽ có một gia đình, nên việc quan sát và học hỏi là thực sự nghiêm túc và cần thiết.
Chia sẻ những khoảnh khắc bình yên này nha!
Cái đàn lạ không?
Cuối tuần toàn nhạc, đủ kiểu nhạc
Ảnh chụp đẹp lắm Kin. Love you and your pics.
Haha, cái thích nhất của comment blog em, đó là mỗi người sẽ gọi em bằng đại từ nhân xưng riêng, mà không lẫn với nick blog khác!!!
Em thích lắm. Muah chị. Love you too!
Hà Kin ơi,
Hà Kin trong ảnh lúc nào cũng thật xinh, thật tươi, thật dễ thương! Dì Thủy thích bức ảnh Hà Kin trên “Cầu thang triệu đô”:người thật dễ thương và màu của bức ảnh rất đẹp!
em thích nụ cười của chị 😡