Những chuyện cười ra nước mắt
Thế giới đồng tính luôn có một nghìn lẻ một chuyện mà các bạn – những người bình thường – không thể hình dung nổi.
Một cô bóng lộ bạn tôi từng cằn nhằn:
– Cái thằng khốn ấy, mình tha thướt thế này mà nó lại bảo mình trông như cầu thủ bóng đá.
Cô khác lại cong môi lên chửi:
– Vô duyên không thể tả được, cả buổi nói chuyện với mình, nó cứ nằng nặc gọi mình là “anh”. Anh, anh cái mả cha nó!
Những người ấy rất tự ái khi bị gọi là “ông”, “anh”, “thằng” – một sự xúc phạm, gây tổn thương ghê gớm! Ngược lại, họ sẽ mát ruột mát tai được nghe gọi là “gái”, “dì”, “cô”, “chị”, “con”. Bóng kín như tôi thì không đến mức nổi giận với các đại từ “ông”, “anh”. Tuy thế, tôi cũng thích được chiều chuộng, chăm sóc và gọi một cách âu yếm là “gái”, “dì”, hoặc “con vợ”, “dì Dũng”. Ngày ở với Nhân, cứ mỗi lần cãi cọ hoặc “chiến tranh lạnh”, Nhân lại tôn tôi lên ngôi “ông”, làm tôi sôi máu. Cũng có khi hắn trêu:
– Anh Dũng ơi, anh Dũng à…
– Anh, anh cái gì? Anh cụ mày à? – Tôi cáu kỉnh, mắng át đi. Hắn lại cười hềnh hệch.
Tôi thích cái cảm giác rúc đầu vào lòng Nhân, nũng nịu xưng “tôi” gọi “mình”, thật là tình cảm. Thích những lúc đi chơi được cả đám bạn ghen tị nhìn và gọi “hai vợ chồng con Dũng”. Có hôm tôi đang gội đầu cho Nhân thì mấy bạn kéo đến chơi, đứa nào đứa nấy chép miệng, lẩm bẩm: “Úi giời, chiều bố trẻ quá, khiếp quá cơ”. Tôi lườm: “Chuyện, chồng người ta!”, rồi cấu chí Nhân, cười rinh rích. Gia đình tôi, mấy chị em gái cũng hay trêu, ví dụ có người hỏi: “Dũng với Nhân đi đâu rồi?”, các chị sẽ trả lời:
– Hai vợ chồng chúng nó chở nhau đi ăn rồi. Thằng chồng đèo con vợ.
Nghe mát hết cả ruột. Cô em gái thì cứ vừa che miệng cười vừa đùa tôi: “Dì Dũng ơi, đi chơi với bồ nhớ phải tắm xà phòng thơm, xức nước hoa nhé”. Đó là những lúc anh chị em vui vẻ, cởi mở với nhau, chứ bình thường các chị cũng như em tôi đều lảng tránh, không muốn nhắc tới chuyện tôi là người đồng tính.
Giới đồng tính chúng tôi có những cái thèm mà người ngoài tưởng như đùa: thèm được đàn ông ghen tuông, thèm được họ tát hoặc mắng mỏ (vì yêu). Tôi rất hãnh diện với các bạn MSM vì từng có một lần bị Nhân tát và nhiều lần bị ghen. Cũng có thể hắn không ghen mà chỉ không thích thấy tôi sống lang chạ. Đó là một tối tôi định sang nhà bạn chơi rồi ngủ lại qua đêm. Nhân nghiêm mặt:
– Không đi đâu hết. Về nhà ngủ.
Tôi nghe thế, sướng rơn, nên càng phải tỏ ra nhõng nhẽo để được thấy Nhân nghiêm khắc như chồng dạy vợ:
– Giời ơi, có gì đâu. Tôi sang bên Cách Cách, hai chị em gái với nhau nói chuyện thôi mà.
– Không chuyện trò gì cả. Về nhà ngủ, mai còn đi làm. À mà thôi, có gì để tôi đi cùng vậy.
Thế có yêu không cơ chứ!
Chẳng biết Nhân ghen thật không, nhưng tôi rất muốn tin là thật. Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu và ham muốn sở hữu. Thôi thì tôi cứ cho là hắn ghen đi, mặc dù khi sa vào lưới tình, người ta thường hay ảo tưởng… Vụ Nhân tức giận tát tôi trước mặt Cách Cách được Cách Cách đem đi kể khắp nơi, lòng tôi càng thêm phần tự hào về Nhân, yêu Nhân. Cũng từ hôm ấy, cứ nhác thấy tôi đi cùng một đàn ông hoặc gay nào khác là Cách Cách lại giơ ngón tay ra chỉ trỏ, õng ẹo: “Con vẩu đi ngoại tình đấy hở? Giời ơi may nhé, thằng chồng mày mà bắt được đôi gian phu dâm phụ thì nó băm vằm mặt con vẩu ra”. Tôi cười, cố làm ra vẻ ngượng ngùng, trong bụng sướng râm ran.
Nhiều cô bóng lộ bạn tôi phẫn nộ với việc bị coi là đàn ông. Có cô đã từng bị từ chối làm giấy tờ tùy thân vì cán bộ quan sát mãi mà không xác định được giới tính của “cô” là trai hay gái. Cô khác thì phát cáu, “ứ thèm làm chứng minh thư nữa”. Một cô vào thăm bố ốm nằm viện, ông cụ trỏ vào con, giới thiệu với các bệnh nhân cùng phòng: “Thằng con trai tôi đấy”. “Thằng con” hầm hầm bỏ về, mặt sưng mày sỉa, nước mắt lưng tròng nói với đám bạn: “Không vào nữa. Cho ông ấy nằm đấy một mình. Ai bảo gọi tao là thằng cơ”.
Những cô bóng lộ ấy luôn chịu nhiều cảnh hẩm hiu từ nhỏ. Có người lúc bé luôn bị bố mẹ đánh đòn vì thích độn ngực và mặc đồ phụ nữ. Người khác thèm phấn son, hồi nhỏ cứ nhăm nhăm rình lúc bố mẹ vắng nhà để bắc ghế, trèo lên bàn thờ, lấy giấy hương quết lên má rồi soi gương ngắm vuốt…
Bạn bè tôi nhiều người từng bị đánh vì cái tội ẻo lả, õng ẹo, phấn son lòe loẹt như đàn bà. Đám du côn, đầu gấu ngồi quán nước trông họ độn ngực nghễu nghện lướt qua, thấy ngứa mắt, thế là gọi vào đánh cho bõ ghét. Tuy nhiên, bóng lộ là những người đã công khai tình trạng giới tính của mình nên xét về mặt tâm lý, họ tự do và thoải mái hơn bóng kín. Giới bóng kín thì luôn phải gồng mình để lên che mắt thiên hạ. Rất khó nhận biết một người nào đó có phải là bóng kín hay không. Bạn chỉ có thể dựa vào một số biểu hiện, ví dụ phong cách ăn mặc. Tâm lý chung của gay là thích màu sắc sặc sỡ; song vì phải che giấu, nhiều bóng kín vẫn đóng bộ complet rất chỉnh tề, mọi sở thích về màu sắc của họ được thể hiện… trên chiếc cà vạt lòe loẹt bảy màu như cầu vồng. Rất có thể là họ sẽ thắt một chiếc cravat hồng tươi, đầu xịt gôm bóng mượt, thân thể thơm ngát mùi nước hoa. Hoặc diện những bộ đồ bó sát làm hằn cả múi ngực. Họ chăm sóc nhan sắc kỹ lưỡng, có khi mất tới hàng nửa giờ để làm tóc mỗi sáng. Rất có thể nữa, là họ có xu hướng sử dụng những món đồ be bé, xinh xinh, như chiếc laptop trắng bạc xinh xắn, những lọ hoa, hộp đựng bút, chặn giấy nhỏ xíu, đủ màu sắc, xếp đầy quanh góc làm việc.
Tất nhiên đó chỉ là những biểu hiện dễ nhận thấy ở một người đồng tính luyến ái, chứ không phải những đặc điểm ấy dứt khoát là dấu hiệu của đồng tính. Tôi không loại trừ trường hợp của những người “đàn ông trăm phần trăm” có tính đỏm dáng.
Người ngoài khó nhận biết dân đồng tính, còn trong giới, chúng tôi có những cách riêng để nhận ra nhau. Có thể đơn giản là thấy một người đang đi đường, chúng tôi chạy ra bỏ nhỏ: “Em ơi em, cho anh xin tí lửa”. Đó là một cách bật tín hiệu xem bên kia có bắt sóng không. Bên kia trả lời à ơi một chút là cả hai đều hiểu ý nhau. “Em đi đâu mà đi một mình thế? Nếu rảnh thì ra đây, ngồi đây, hai anh em nói chuyện…”. Sau đó, tìm ghế đá ngồi, thêm một vài cử chỉ động chạm như vuốt tóc, cầm tay, xoa đùi, nếu bên kia đỏ mặt ngượng nghịu, không có phản ứng gì bạo lực, là đủ hiểu.
Thực sự không hiểu sao lúc này có nhiều bóng kín đến như vậy. Hình như đi đâu, ở đâu tôi cũng gặp những người bóng kín. Thật ra, với những người không phải bóng kín, việc phát hiện ra đối tượng khác có phải là bóng kín hay không thì có lẽ hơi khó khăn một chút, nhưng đối với những người là bóng kín thì chuyện này xem ra có vẻ dễ dàng hơn. Chỉ cần một ánh mắt bất chợt nhìn nhau thôi là có thể đọc được ý nghĩ trong đầu người kia rồi. Ở bất kỳ đâu ngoài đường phố, trong siêu thị hay các quầy sách báo, CD… tôi thỉnh thoảng bắt gặp những ánh mắt nhìn mình và tôi thừa hiểu ý nghĩ trong đầu họ là gì. Nếu tôi đáp trả họ bằng ánh mắt hay nụ cười xã giao thì vô hình trung đã xác nhận ranh giới “cho phép”. Tiếp sau đó có thể là những cuộc nói chuyện xã giao thông thường, hỏi tên, xin địa chỉ và điện thoại liên lạc. Và quan hệ sau nữa sẽ là những cuộc hẹn hò đi nhậu, đi uống cà phê để tìm hiểu sâu hơn.
Một cách “kiểm tra” khác mà chúng tôi hay dùng là mời về nhà chơi rồi cho xem đĩa có cảnh quan hệ đồng giới. Đàn ông bình thường đương nhiên sẽ không chấp nhận được, còn nếu anh lại thấy thinh thích, thậm chí bị kích thích, thì chắc chắn anh là bóng rồi. Phe ta hiểu nhau lắm!
Mặt trời, mặt trăng và các vì sao
Tôi vốn thích cách nói năng hình ảnh, ví von. Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, người ta hay ví đàn ông như mặt trời và phụ nữ như mặt trăng. Tôi muốn mạo muội mượn những vì sao để làm hình ảnh tượng trưng cho giới tính thứ ba.
Và tôi muốn nói một điều gì đấy về mối quan hệ giữa mặt trăng và các vì sao – những thiên thể tỏa phát ra năng lượng nhẹ hơn và ánh sáng dịu dàng hơn mặt trời. Nghĩa là mối quan hệ của những người đồng tính như tôi với phụ nữ – một nửa của thế giới, cái nửa đáng lý sẽ là trục quay trong cuộc sống của giới đồng tính nam chúng tôi, nếu như chúng tôi sinh ra là những chàng trai bình thường.
Đó là một thứ quan hệ phức tạp, thiên hình vạn trạng.
Cứ hình dung đến việc bạn có thể quý rất nhiều cô gái nhưng lại chẳng yêu bất cứ cô nào. Bạn có thể thân thiết với rất nhiều cô gái, như chị em, có thể đưa ra những lời khuyên kiểu như: “Em béo nhưng trắng, em nên mặc đồ đen. Là chị gái khuyên em thật lòng đấy!”. Nhưng bạn cũng có thể ghen tuông vô lường với một người con gái nếu như cô ta trót lỡ dính líu gì đó đến bạn tình của bạn.
Giữa hai giới – đồng tính nam và phụ nữ – dĩ nhiên không thể nào luôn luôn tồn tại một thứ “tình xa” như tôi đã có với những An, Hoa, Hương, Liên… Và cố nhiên là không phải tất cả mọi người thuộc giới tính thứ ba đều có thể thân thiết với giới tính thứ hai.
Một người đồng tính nam đã nói: “Tôi thành công trong sự nghiệp một phần vì tôi là gay. Đàn ông không coi tôi là đối thủ, còn phụ nữ thì tin tưởng tôi”. Phải công nhận rằng anh này quá lạc quan, nhìn đời qua lăng kính tươi hồng. Còn quan hệ giữa gay và những người đàn bà thì, theo tôi, muôn màu muôn vẻ. Có khi sao thương trăng, quý trăng. Lại có khi sao ghen với trăng, ghét trăng, chỉ muốn làm thế nào để trăng mờ đi, tắt hẳn ánh sáng đi.
Cả hai bạn bóng thân nhất của tôi, Trung và Cách Cách, đều chẳng ưa gì phụ nữ. Trung cư xử với nữ giới bao giờ cũng rất lạnh lùng. Còn Cách Cách có “căn” chơi với những chị nhiều tuổi hơn hẳn, nếu xấu nữa thì càng tốt, càng an toàn! Gặp cô nào tre trẻ thì Cách Cách ghét lắm, thấy họ như những mối đe dọa tiềm tàng, có thể cuỗm mất chồng Cách Cách lúc nào không biết. Trẻ mà lại còn đẹp nữa thì ôi thôi, trọng tội, Cách Cách kiên quyết tránh giao thiệp.
Nhưng ít ra Cách Cách còn chấp nhận được các chị bạn hơn tuổi. Trong khi đó, tôi có những bạn ghét phụ nữ khủng khiếp! Họ ngồi ở quán nước vỉa hè, thấy đàn ông đi qua thì ngắm không rời mắt mà thấy phụ nữ thì bình phẩm chê bai: “Kìa, kìa, mẹ trẻ!”, “Gớm, trông! Nghễu ngà nghễu nghện. Cắm thêm hai cái cờ sau lưng thì như bà tướng ấy”, “Ừ, chân tay cong queo như măng khô. Thế mà cứ tưởng mình xinh lắm, ghét nhỉ?” v.v…
Về phần tôi, hết thời kỳ lưỡng lự “yêu cô ấy hay yêu anh ấy”, xác định được rõ ràng thiên hướng giới tính của mình là chỉ yêu đàn ông, tôi bắt đầu chuyển sang giai đoạn chủ động tấn công nam giới – “cọc đi tìm trâu” – và trong cuộc chinh phục cam go này, tôi đương nhiên coi phụ nữ là kẻ thù, vật cản trên con đường đến với hạnh phúc của tôi.
Hoạn Thư gọi bằng mẹ
Với đặc điểm “thân xác đàn ông, tâm hồn phụ nữ”, gay rất dễ thu hút về mình những lời nói và hành vi trêu chọc, ác ý hoặc không. Thời kỳ tôi còn loay hoay ở “ngã ba giới tính”, đi chơi với Hương hay Liên, tôi sợ nhất là những lúc bị một kẻ tai ác rỗi việc nào đó chạy đuổi theo, quay lại nhìn chòng chọc vào mặt rồi nhe răng cười: “Ê, thằng đồng cô!”. Khi ấy, tôi còn biết làm gì ngoài việc giả như không nghe được, hoặc cười gượng cho qua? Nỗi nhục nhã đó mỗi lần bị gợi lại vẫn làm má tôi, tai tôi nóng bừng bừng.
Khi tôi chấm dứt hẳn yêu đương phụ nữ, bắt đầu đưa đàn ông về nhà ở, cũng là lúc các trò đùa tai ác tăng dần về số lượng. Đỉnh điểm là thời gian tôi ở với Nhân. Máu Hoạn Thư lúc nào cũng sôi sục trong huyết quản, tôi không mua điện thoại di động cho Nhân, sợ công nghệ cao lại tạo điều kiện cho hắn hẹn hò, bồ bịch. Nhưng bế quan tỏa cảng cũng chẳng được. Nhân không dùng điện thoại di động thì lại có điện thoại để bàn ở nhà tôi. Còn những kẻ đùa dai thì chẳng bao giờ thiếu; chúng chỉ rình chọc tôi bất cứ lúc nào có thể. Các bạn cứ tưởng tượng, tôi cùng Nhân đang ngồi vui vẻ với nhau mà điện thoại lại rú lên, nhấc máy lại được nghe một giọng nữ lảnh lót ở đầu dây bên kia: “Cho em gặp anh Nhân với ạ” thì khác nào một nhát dao cứa vào ruột? Tôi càng lồng lộn chửi bới, trò đùa tai quái càng diễn ra thường xuyên, dai hoi hơn. Có lần Nhân đi vắng, tôi ngồi nhà, điện thoại réo inh ỏi nhưng tôi cứ nhấc máy là bên kia lại dập. Vài lần như thế, rồi một giọng con gái thỏ thẻ cất lên:
– Anh Nhân có nhà không chú?
– Này, ai đấy?
– Cháu là bạn anh Nhân ạ. Anh Nhân có nhà không chú?
– Thế hả? Cháu, à em, tên là gì?
– Dạ, cháu tên là Nga ạ. Anh Nhân có nhà không chú?
Nga! Lại con Nga Nam Định, bồ cũ của thằng Nhân đây! Cơn ghen bốc lên cuồn cuộn. Đất trời quay cuồng, tôi đập điện thoại cái rầm, đùng đùng nổi giận như một thằng điên, không nhận ra rằng giọng Nga lần này khác hẳn Nga lần trước. Tôi gọi điện ngay cho Nhân ở chỗ làm, chửi hắn thậm tệ. Sau mới biết là bị một lũ nhóc nào đấy bày trò trêu ghẹo.
Nhân xin việc ở một cửa hàng bán quần áo. Đến tối hôm thứ ba, hắn hẹn cả cửa hàng đi uống nước, gọi là khao ra mắt. Tôi đòi theo ngay. Ngồi chưa ấm chỗ tôi đã nhận ra – bằng linh cảm “đàn bà” của mình – ánh mắt một cô gái dành cho Nhân. Chắc chắn cô ta đang để ý Nhân, thỉnh thoảng lại nhìn trộm hoặc vừa cười duyên vừa liếc Nhân một cái rất không vô tư. Tôi không nói không rằng, hầm hầm vác ghế tới ngồi chen vào giữa Nhân và cô ta.
Chẳng khó khăn gì, tôi điều tra được cô gái nọ tên Bích, cũng là nhân viên bán hàng như Nhân. Và thế là ngay sáng hôm sau, Bích đã nhận được những cú điện thoại “khủng bố” đầu tiên từ các cô bạn của tôi:
– Bích ơi, Nhân nó là chồng tao nhé. Tao cấm mày đi với nó nhé!
– Ơ, chị này hay nhỉ, ai quan tâm đến chuyện vợ chồng nhà chị?
– Nhưng mà tao không thích cho mày nói chuyện với chồng tao! Mẹ mày, mày có thôi đi không?
Rồi đến lượt người quản lý cửa hàng chịu trận: Một ngày, gần hai chục cú điện thoại từ bốn, năm phụ nữ, xoay vần chị ta như chong chóng.
– Chị ơi chị, con Bích bán hàng chỗ chị, nó dụ dỗ chồng em là anh Nhân.
Lát sau:
– Tôi là cô của Nhân. Chị là chủ cửa hàng phải không? Này, chị quản nhân viên cho cẩn thận, không có chúng nó lại tùm lum với nhau đấy. Thằng Nhân nó lẳng lơ lắm, bố mẹ nó lại già yếu, tôi chỉ sợ nó với con Bích léng phéng rồi lỡ xảy ra chuyện gì thì chết.
Chiều tối:
– Tôi nói cho chị biết, không có lửa làm sao có khói. Con Bích cửa hàng chị phải có tình ý thế nào đấy chứ thằng Nhân nhà tôi yêu gì nó, người yêu thằng Nhân vừa trẻ vừa xinh.
Sáng hôm sau, Bích xin nghỉ việc.
Là người bình thường, khi bạn yêu, nếu có đủ niềm tin, bạn sẽ đỡ phần ghen tuông; nếu có ghen thì bạn chỉ phải ghen với người cùng giới. Còn là gay như tôi, bạn sẽ không thể tin vào bản thân được. Suy cho cùng thì ngay với phụ nữ “xịn”, đàn ông còn có thể đối xử tệ bạc, huống chi với những kẻ nửa ông nửa bà như tôi. Tôi lấy cái gì làm sức hút để giữ chân họ đây? Và tôi ghen với cả ba giới: đàn ông, đàn bà, bóng. Bất kỳ ai cũng có thể là kẻ cướp đi tình yêu của tôi.
Thương nhau “chị em gái”
Nhưng tất nhiên, trong cuộc chiến không cân sức với phụ nữ để giành giật tình yêu của đàn ông, tôi cũng cần đồng minh. Và đồng minh khi ấy lại là những người phụ nữ. Khác với đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán, đôi khi hung bạo và tàn nhẫn, trái tim phụ nữ dịu dàng và giàu tình cảm lắm, họ dễ cảm thông với dân bóng hơn nhiều. Cũng có thể, bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội từ bao đời nay khiến phụ nữ luôn chịu thiệt thòi so với đàn ông, nên họ có xu hướng hiểu, thương và đồng cảm với gay hơn. (Nhưng ở khía cạnh ngược lại, không có chuyện đàn ông hiểu, thương và đồng cảm với lesbian).
Đến nay, trải hết thời kỳ ngập ngừng ở ngã ba giới tính và giai đoạn đánh ghen lồng lộn, tôi mới bắt đầu xác định được mối quan hệ tình cảm thật sự giữa tôi và phụ nữ: Tôi nghĩ mình giống họ, là một phần trong giới hồng quần. Vì thế mà tôi ủng hộ bình đẳng nam nữ, luôn vui vui và có chút tự hào khi chứng kiến một người phụ nữ giỏi giang được xã hội đề cao. Cũng giống như phụ nữ thường cảm thấy vui khi trong những cái tên nhà khoa học, nghệ sĩ nổi tiếng, người có đóng góp lớn cho nhân loại, lại xuất hiện những bóng hồng như Marie Curie hay Kovalevskaia. Hoặc ủng hộ nhiệt thành các chính trị gia nữ: “Người đàn bà thép” Margaret Thatcher, “Con bướm thép” Benazir Bhutto,1 cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Hilary Clinton…
Phụ nữ trong mắt tôi dịu dàng, mềm mại, khéo léo. Tôi có thể quý mến, ân cần chăm sóc, chia sẻ và tâm sự, coi họ như chị em gái, như bạn bè. Nhưng yêu và đam mê thì chưa bao giờ. Phụ nữ ở bên tôi an toàn tuyệt đối! Lại nhớ ngày trước, thời còn giả bộ đắm đuối với các mối “tình xa” cùng Liên, Tú, Trinh, Xuân, tôi luôn được tiếng là người đứng đắn…
Trên đời này, có ai ghét các cô gái trẻ đẹp, chỉ thích những phụ nữ già và kém nhan sắc không?
Có đấy các bạn. Đó là một số lượng đông đảo các chàng gay.
11.
Đoạt quyền tạo hóa
Nửa đầu năm 2006, tôi đón nhận một tin thú vị, có thể gọi là tin vui: Trung bạn tôi sang Thái Lan làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
“Thế là cũng đã đến lúc rồi” – tôi tự nhủ.
Sau ca phẫu thuật, trở về Việt Nam, Trung như lột xác. Anh chàng Lê Trung gầy gò, tóc cứng, mặt lạnh như tiền ngày nào giờ đã thành cô nàng Lệ Chung thon thả cao ráo, tóc nhuộm nâu và “xù mì” xoăn tít, miệng lúc nào cũng tươi roi rói. Trung cười nhiều hơn từ sau khi phẫu thuật, nụ cười chúm chím điệu đàng kiểu con gái. Vĩnh biệt tất cả những sơ mi cổ cồn, áo vest, cravat của đàn ông, giờ đây Trung khi thì duyên dáng trong tà áo dài thổ cẩm thướt tha, lúc lại sành điệu và bốc lửa với chiếc váy cực ngắn và đôi bốt da xịn, khoe cặp chân dài trắng như ngà. Mỗi khi Trung xuống phố, mini jupe đỏ tươi, giày cao gót chót vót, chắc khối anh chàng phải nhìn theo bước chân nhún nhảy kia mà chép miệng. Chỉ có điều, nếu ai tinh ý ở gần, sẽ nhận thấy đôi vai kia sao mà vuông vức và hai bàn tay – vẫn vàng chóe nhẫn – to mập với những ngón đen và thô ráp. Vai và tay phụ nữ ít người như vậy.
Trung bây giờ điệu đàng lắm. Đi lại, Trung vừa đi vừa lắc rất dẻo. Cười thì bao giờ cũng mủm mỉm, kèm theo một quả nghiêng vai hất tóc thật duyên. Nói năng chậm rãi và thỏ thẻ (tuy vẫn bằng chất giọng trầm thấp của đàn ông). “Cô” xuất hiện nhiều hơn trên các vũ trường, tại những buổi dạ hội long lanh ánh đèn sân khấu. Ở những nơi đó, đàn ông nhìn theo Trung ngưỡng mộ, xuýt xoa (tôi không biết có phải 100% là thật hay không), nhưng đàn bà thì khó chịu. Tôi từng chứng kiến mấy cô gái trẻ đưa mắt nhìn Trung rồi nói gì đó với nhau, vừa cười vừa nhăn mặt. Tôi đoán họ không thích thấy một thứ hàng giả mà lại cứ cố ra vẻ còn xịn hơn hàng thật: Trung điệu chảy nước, điệu hơn cả phụ nữ.
Đôi khi tôi muốn bảo nhỏ Trung: “Nhà dì điệu thì điệu vừa thôi, không người ta ghét cho”. Nhưng mấy lần toan nói, tôi lại cắn môi im lặng. Tôi hiểu, Trung như vừa được thoát xác, trút bỏ lớp vỏ bọc nặng nề để sống với hình hài mà cô mong muốn vươn tới. Đã bao nhiêu năm nay Trung thèm khát sống như phụ nữ, được làm đẹp, được đàn ông chăm chút chiều chuộng, được mơ mộng, được tha hồ cười khóc… Từ thuở dậy thì, Trung đã thích đứng trước gương ngắm mình, mơ màng tưởng tượng mình là phụ nữ (mà thật sự là “cô” tin như thế). Hình ảnh đẹp nhất mà Trung hình dung về mình là hình ảnh cô rực rỡ trong chiếc váy dạ hội, trang điểm thật xinh, đeo đồ trang sức lóng lánh, tỏa sáng như một nữ hoàng trước ánh mắt ngưỡng mộ của bao người. Rồi còn là ảo ảnh: Trung làm bếp, cắm hoa, sống bên một người chồng yêu thương mình và có những đứa con bé bỏng xinh ngoan gọi Trung là “mẹ”. Than ôi, thực tế phũ phàng như chọc thủng giấc mơ, đánh tan ảo ảnh! Trung không phải là phụ nữ. Sẽ quái đản đến chừng nào nếu Trung – vai rộng, lưng dài, ngực phẳng – lại xúng xính trong tà áo dài hay váy đầm, mắt kẻ chì thẫm màu, mascara nặng trĩu hai hàng mi. Thiên hạ sẽ nghĩ thế nào khi thấy Trung như thế?
Nên Trung hận đời, có lẽ vậy. Trung dồn sức vào công việc kinh doanh. Làm ăn có lộc, kiếm được nhiều tiền, Trung thay người tình (đàn ông) như thay áo, nhiều lúc tôi nhìn vào cũng phải kêu “sao dì phũ thế?”. Nhưng không ai biết bên trong vỏ bọc lạnh lùng, khó tính, Trung vẫn mang một tâm hồn phụ nữ và khao khát được sống như phụ nữ. Có lần Trung cằn nhằn với tôi: “Người tôi thấp, đi lại cứng quá dì ạ. Sao mình lại không được đi giày cao gót chứ?”. Thấy cô gái nào mặc mini jupe phóng xe máy qua, để lại một mùi nước hoa sực nức, Trung đều nhìn theo thèm thuồng, có điều không phải thèm cô gái ấy mà là thèm được diện như cô ta.
Không đi guốc cao gót được, Trung thửa riêng cho mình những đôi giày unisex1, nhìn thoáng qua tưởng giày nam, nhìn kỹ lại hóa ra giày nữ. Đôi nào cũng chải xi bóng nhoáng, có cái mũi nhọn vểnh vút lên, gót to và cao.
Không mặc váy ngắn, áo dài được, Trung thiết kế cho mình những bộ đồ thật bó, bó rất sát, bóng nhẫy như da cá. Tất nhiên, “cô” cũng chỉ có thể mặc những bộ này khi nào đi chơi trong giới với nhau. Còn bình thường, dân kinh doanh gặp gỡ tiếp xúc nhiều, Trung vẫn phải ép mình trong những áo sơ mi cổ cồn, vest, cravat của đàn ông, những thứ mà cô căm ghét: “Cái cà vạt cứ như cái xích thắt cổ mình ấy dì Dũng ạ. Tôi bức bối quá đi mất”. Ghét cravat nhưng vì công việc, thỉnh thoảng Trung vẫn phải đeo. Thế nên cô tìm mọi cách để làm giảm bớt chất nam tính của nó: Trên cổ Trung ngự trị khi thì một chiếc cầu vồng, lúc lại cả một vườn hoa xuân: cravat sặc sỡ đủ màu xanh đỏ tím vàng, chi chít hoa. Đàn ông chẳng ai đeo cà vạt lòe loẹt như thế.
Không nuôi tóc dài, ép tóc hay làm xoăn như phụ nữ được, Trung nhuộm, xịt gôm bộ tóc rất cẩn thận. Sáng nào “cô” cũng mất ít nhất nửa giờ loay hoay trước gương, chải, sấy, vuốt keo, như một quý ông đỏm dáng. Không khi nào Trung bước chân ra ngoài đường mà lại quên chăm chút cho vẻ ngoài của mình: mái tóc bóng ướt, áo quần là lượt. Cầu kỳ ghê lắm.
Không trang điểm đậm, đánh má hồng, đeo mascara như phụ nữ được, Trung chuyển sang “chơi” đồ trang sức. Hai bàn tay ngón to và thô lúc nào cũng rực vàng màu nhẫn. Từ hồi còn chưa giàu, Trung đã thích đeo nhẫn. Thừa tiền, Trung càng sưu tầm lắm nhẫn hơn, có bữa bắt tôi chở ra hàng vàng đánh tới hàng chục chiếc. Tôi xót ruột thay, hỏi:
– Nhà cô mua làm gì mà lắm nhẫn thế?
Trung im lặng một lúc rồi trả lời khe khẽ: “Mình là pêđê, bị thiên hạ khinh lắm. Bây giờ phải đeo thật nhiều vàng cho người ta khỏi coi thường”.
Tôi thấy đắng nghét trong họng. Tôi biết cái mặc cảm tự ti ẩn sâu trong mỗi người đồng tính. Tôi biết Trung đeo đồ trang sức vàng như một cách tự khẳng định với thiên hạ: “Tôi có địa vị, tôi giàu sang, các người đừng hòng khinh tôi”. Nhưng càng làm như thế, dân đồng tính chỉ càng chứng tỏ họ luôn sợ bị xã hội coi rẻ. Biết sao được. Khi một con người chẳng may sinh ra với một thua thiệt nào đó, thì suy nghĩ về sự thua thiệt ấy sẽ gắn chặt vào đầu óc họ, ám ảnh họ suốt đời. Nó sẽ gần như một thứ ẩn ức. Cho dù sự thể hiện ra bên ngoài của họ có thế nào, thì ẩn ức vẫn còn đó bên trong họ. Không thể nào khác.
Cháy lên để mà tỏa sáng…
Tôi biết lắm, rằng Trung đeo vàng còn để thỏa mãn cơn say của trí tưởng tượng. Đêm đêm, khi cả nhà đã ngủ hết, “cô” lẳng lặng xuống dưới nhà hầm, mặc váy, lồng những chiếc nhẫn vàng vào đủ mười ngón tay rồi mê mải nhảy múa một mình trong hầm và rì rầm hát. Đó là lúc Trung cảm thấy mình phụ nữ nhất. Và vui lắm, chỉ muốn hát thật to lên trong dào dạt một niềm hạnh phúc ngắn ngủi. Một người bình thường, nhìn thấy Trung phục sức lóng lánh, múa may quay cuồng, hát ư ử dưới hầm tối, chắc chắn sẽ nghĩ “thằng này điên”. Người yếu bóng vía khéo còn tưởng ma. Còn với Trung, đó là những giây phút cô bồng bềnh trong tưởng tượng để thỏa mãn khao khát làm phụ nữ của mình.
… Trong bóng tối sâu thẳm của căn hầm, gương mặt nàng bỗng bừng lên một làn ánh sáng kỳ ảo, đẹp dịu dàng như vầng trăng rằm. Hai bàn tay nàng thật mềm, uốn lượn thật dẻo điệu múa Ấn Độ. Những chiếc vòng, nhẫn cũng sáng rực lên. Mỗi cái lắc hông uyển chuyển là leng keng tiếng đồ trang sức, là lấp lánh ánh sáng của vàng ngọc, là xuýt xoa trăm con mắt nhìn. Những con mắt bóng tối ấy nói rằng: Nàng là phụ nữ. Nàng đẹp lắm, kiêu sa và kiều diễm. Vẻ đẹp mà chỉ trái tim những người yêu nàng mới nhận ra, bởi vì hàng ngày vẻ đẹp ấy bị ẩn giấu trong một vỏ bọc đàn ông thô kệch…
Trung say. Không phải say rượu, mà là say men tưởng tượng.
Có khi, trong thời kỳ kinh doanh khó khăn, cả ngày Trung mệt mỏi, chỉ thầm mong đến cái lúc giải tỏa ấy. Cả ngày Trung tính toán, mua bán, mặc cả, tranh cãi, nhận tiền, trả tiền, đếm tiền… Lạnh lùng, xông xáo và quyết đoán như một người đàn ông. Để rồi đêm về, người đàn ông ấy lại lẳng lặng xuống hầm, mặc một chiếc váy thật quyến rũ, đeo đồ trang sức long lanh. Lại nhảy múa, hát và mỉm cười một mình trong bóng tối.
Khao khát không được thỏa mãn sẽ biến thành ẩn ức, đòi hỏi sự giải tỏa. Không riêng Trung, bạn bè tôi trong giới bóng, mỗi người đều có một cách giải tỏa riêng trong phút giây. Tú chẳng hạn, cũng là dân kinh doanh, hắn có cái thú vui đi siêu thị, y như phụ nữ. Đi, có khi chẳng mua gì, chỉ để lượn khắp các quầy hàng, cầm từng món đồ nhỏ, nâng lên đặt xuống, săm soi ngắm nghía. Hỏi người bán hàng về công dụng của sản phẩm. Hỏi thật tỉ mỉ. Lắng nghe rất chăm chú. Có khi thân thiết lại đá thêm vài câu chia sẻ kinh nghiệm làm đẹp, kể lể chuyện công việc, than thở giá cả thị trường… Thỉnh thoảng, hắn cũng bỏ tiền ra mua một món đồ nho nhỏ nào đó, sau khi đã đi hết cả vòng siêu thị. Tú kêu lúc ấy hắn thấy mình nữ tính ghê gớm, thích lắm. Hắn có thể lượn lờ siêu thị hàng giờ đồng hồ không biết chán.
Về phần mình, tôi thích nhất là những giây phút ngồi cắm hoa, thêu thùa, khâu áo, vừa làm vừa nghe cải lương hoặc rủ rỉ tâm sự chuyện “chồng con” với các bạn bóng khác. Đó là lúc tôi giống phụ nữ hơn cả. Người ta hay bảo “thương nhau chị em gái”. Được ngồi tỉ tê với các bạn thuộc phe ta về chuyện phe ấy, chúng tôi bỗng thấy mình như những bà nội trợ đảm đang, thương chồng thương con và lắm điều một cách đáng yêu.
– Thằng chồng tôi nó hư lắm dì ạ, sểnh ra một cái là nó đi uống rượu. Về nhà thì cứ để nguyên quần áo nằm lăn ra giường, tôi phải cởi giày cởi tất ra cho. Khiếp, hôi ơi là hôi.
Tôi che miệng, cười rúc rích:
– Thì đàn ông thằng nào chẳng thế. Thôi, cô cứ kệ nó.
Nói đến đây lại nhớ tới cô bạn bóng lộ thân thiết của tôi, Cách Cách. Mỗi lần gặp chuyện buồn trong gia đình, Cách Cách mò sang nhà tôi, thút thít tâm sự cả đêm. Tôi khuyên Cách Cách phải làm thế này, thế kia, nên lý luận thế này thế kia với chồng, đừng có để nó “được đằng chân lân đằng đầu”, mất thế mình, cuối cùng mình “trồng cây ngọt lại phải ăn quả đắng”. Cách Cách há mồm ra nghe, cứ “ừ, ừ” luôn miệng đấy rồi quên sạch, cuối cùng phải bảo tôi nói từ từ, chậm chậm thôi để cô lấy giấy bút ra ghi. Thế là tôi cứ thế nhả ngọc phun châu, Cách Cách hì hục, mắm môi mắm lợi viết viết, xóa xóa, ghi lại cách đối đáp với chồng. Nói chuyện, tôi ưa dùng các điển tích, điển cố, ca dao, tục ngữ… Cách Cách chẳng biết cái gì vào với cái gì nên nghe thích chí lắm. “Nàng” mang về ứng đối với chồng, không hiểu nói năng thế nào bị bắt vở ngay: “Lại sang nhà con Dũng, nghe nó dùi phải không?”.
Một “cô” bóng khác thì thèm làm phụ nữ đến mức tháng nào cũng mua thuốc đỏ chấm vào quần lót rồi ngồi ngắm cứ như… thật. Cô này đặc biệt chăm dùng mỹ phẩm. Phòng tắm nhà nàng không khác gì phòng thí nghiệm, lô nhô hàng chục lọ hóa mỹ phẩm: dầu gội, dầu xả, dầu dưỡng, thuốc nhuộm, bùn chăm sóc tóc, gel… Có lần khoe tôi lọ phấn trị giá một triệu vừa mua được, cô mở lọ, chấm chút phấn thơm ngát rồi thoa lên mặt, giơ gương ra soi, vẻ hài lòng lắm. Tôi buột miệng:
– Bọn mình có dùng phấn một triệu chứ năm triệu đồng thì cũng thế, vẫn là gay thôi. Làm đẹp mà làm gì?
Dứt lời, tôi mới thấy đau. Bạn tôi cũng hơi thừ ra, mặt xịu xuống như sắp khóc. Tôi, người trong giới, nói như vậy chỉ làm cô buồn. Nếu câu nói ấy phát ra từ miệng một người bình thường, chắc nó sẽ như dao cắt. Cô sẽ căm hận đến mức nào cái kẻ đã phủ nhận quyền làm đẹp của cô, đã vạch ra sự thật cay đắng và đáng ghét rằng cô là gay, mãi là gay cho dù có cố chối bỏ điều đó cách nào đi chăng nữa. Nó tương tự như việc một lesbian, bó ngực, đầu húi trọc lóc, giày hộp và quần áo rằn ri, hút thuốc lá vàng khè cả răng, đi lại huỳnh huỵch như đàn ông, rồi lại nghe có kẻ vừa cười đểu vừa í ới: “Này, em ơi, em gái ơi!”. Nhục. Vừa nhục vừa căm cái thằng đã bóc mẽ mình. Bóc mẽ như thế còn nhẹ. Một bóng lộ bạn tôi đi trên phố từng bị một đám thanh niên càn quấy đuổi theo giật tóc giả, lột áo ngoài và tháo tung cả những thứ “cô” độn bên trong ra, rồi cười hô hố.
Từ đó, mỗi lần đến nhà người bạn đồng tính nọ, tôi cố không nhìn hàng chục lọ mỹ phẩm lô nhô kia nữa. Tôi sợ nhìn rồi lại buột miệng bình phẩm những câu làm đau lòng cả bạn và tôi.
Chừng ấy cách giải tỏa dĩ nhiên chẳng đủ để thỏa mãn khao khát thầm kín của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn cần sự giải tỏa. Đó đơn giản là những giây phút chúng tôi được tự do sống đúng với con người thật của mình. Sống hết mình, cháy như ngọn nến và tỏa sáng.
… và thăng hoa
Có nhà báo phỏng vấn tôi:
– Người ta bảo tạo hóa công bằng, ai mất cái này thì được cái khác. Anh không may là người đồng tính. Vậy anh có thấy mình được bù đắp ở khía cạnh nào không?
Tôi nghĩ về điều này đã lâu nên có ngay câu trả lời: “Có. Tôi được trời phú cho một tâm hồn nhạy cảm”.
Người đồng tính phần đông rất nhạy cảm với cái đẹp, khéo tay, hát hay múa giỏi. Bản thân tôi nấu ăn ngon và cắm hoa đẹp hơn tất cả những phụ nữ tôi từng gặp. Nhìn một khuôn mặt, tôi có thể biết với những đường nét ấy và màu da, màu tóc ấy, người ta trang điểm như thế nào thì sẽ tôn được vẻ đẹp đang ẩn giấu. Nhìn một căn phòng, tôi biết không gian ấy hợp với ánh sáng nào, nội thất nào. Nhìn vài bông hoa tím lẻ loi, tôi biết đặt chúng vào chiếc bình nào, trang trí như thế nào… để làm cả gian phòng đẹp lên. Nhìn một người trong lần đầu gặp, tôi có thể đoán đó liệu có là đối tác tin cậy để làm ăn kinh doanh hay không (tất nhiên cũng có lần đoán sai, nhưng thường là đúng).
Chị Kim hàng xóm nhà tôi chặc lưỡi thán phục mỗi khi nói với ai đó về dân đồng tính: “Cái mình ấn tượng nhất về gay là người ta rất tài, gì cũng biết làm. Con giai mà khéo tay hơn cả con gái. Nấu ăn nhé, mình trang trí, làm một bông hoa đã khó, mò mẫm loay hoay còn chán, thế mà chúng nó chỉ uốn hai, ba đường là thành bông hoa luôn, lại còn đẹp hơn người bình thường làm”. Thỉnh thoảng muốn nấu món gì ngon đổi vị cho chồng con, chị lại lạch bạch chạy sang nhà tôi bỏ nhỏ: “Dũng ơi, cho chị hỏi…”. Chị phục tài nấu nướng của tôi lắm. Thường thường người ta cần đầy đủ nguyên liệu tốt, không nem công chả phượng thì cũng phải những thứ đắt tiền nhiều dinh dưỡng, mới ra món ăn ngon, nhưng vào tay tôi thì kể cả nguyên liệu thật đơn giản và rẻ tiền cũng thành món ngon được. Một con cá, tôi có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau: kho kiểu miền Nam, miền Bắc, miền Trung, sốt kiểu Ấn Độ, Trung Quốc, nấu súp kiểu Ba Lan, kiểu Pháp… Tôi chưa từng học qua trường lớp nấu ăn nào, chỉ đi ăn nhiều, thưởng thức mùi vị, quan sát cách làm của người khác, mà nấu được như thế, chị Kim nể cũng phải. Chị còn oang oang bảo với mọi người:
– Dũng nó có cái nghề nấu ăn giỏi lắm cơ, nên nó cuốn hút được rất nhiều giai, nhất là những ông mới lớn ở nhà quê lên. Trai quê nghèo mà, lên Hà Nội khổ sở, không có chỗ ăn chỗ uống, bây giờ lại được ông ấy chăm bẵm khéo thế, đứa nào mà chả thích!
Buôn chuyện thì khó tránh khỏi thêm thắt. Tuy vậy, chị Kim nói cũng có phần đúng: Cả Hưng, Nhân, và người bạn trai của tôi bây giờ là Dương, đều nghiện những bữa cơm tôi nấu. Nhất là Nhân, đi làm, buổi trưa tôi có mua cơm hàng mang đến hắn cũng không ưng, chỉ thích những món tự tay tôi chế biến, mà hắn hay gọi yêu là “vợ nấu cho chồng”: cá kho tộ, thịt kho trứng, canh chua… Bữa ăn bao giờ cũng đầy đủ chất, có cả đồ tráng miệng: sữa tươi, hoa quả mùa nào thức ấy. Và không riêng tôi, rất nhiều bạn trong cộng đồng giới tính thứ ba cũng khéo léo chân tay, nữ công gia chánh cực kỳ đảm đang. Bởi vì chúng tôi nhạy cảm và biết thưởng thức. Phải chăng đó là một khía cạnh trời bù đắp cho sự kém may mắn của dân đồng tính?
Mang trái tim nhạy cảm, người đồng tính dễ xúc động, dễ bị tổn thương, dễ cảm thấy một cách sâu sắc những điều kẻ khác không cảm thấy, và dễ đạt đến trạng thái cao nhất của cảm xúc. Khi yêu, họ yêu thái quá; khi hạnh phúc, hạnh phúc vô ngần; khi ghen tuông, họ ghen tuông đến mức lồng lộn, bệnh hoạn; và khi đau khổ, họ cũng đổ vỡ tan nát. Tâm hồn ấy có thể nâng họ thành nghệ sĩ. Không có gì lạ khi dân đồng tính đặc biệt thích hợp với các nghề nghiệp đòi hỏi óc sáng tạo và tư duy thiên về cảm xúc, thường là trong nghệ thuật: ca sĩ, họa sĩ, thiết kế thời trang, người mẫu, nhiếp ảnh, viết văn… Chìm sâu trong con người họ là những ẩn ức đầy ám ảnh, đòi hỏi được giải phóng một cách mãnh liệt. Khi họ đem những ẩn ức ấy dồn trút vào công việc sáng tạo, đi đến tận cùng cảm xúc, chúng có thể thăng hoa, hóa giải để cho ra các tác phẩm làm rung động con tim.
Như giây phút Trung thấy hình ảnh mình tỏa sáng, đẹp rực rỡ dưới tầng hầm tối. Đó là khoảnh khắc tâm hồn Trung thăng hoa. Khi ấy, nếu là nhà thơ, rất có thể Trung sẽ cho ra những thi phẩm để đời. Là ca sĩ, Trung sẽ hát hay như Celine Dion. Là họa sĩ, Trung sẽ tạo nên những bức tranh đầy ám ảnh.
Thế giới nghệ sĩ có rất nhiều người nổi tiếng là đồng tính. Ở phương Tây, một số trường hợp mà ai cũng biết là Elton John, George Michael (ca sĩ), Jodie Foster, Drew Barrymore (diễn viên). Châu Á thì có một nghệ sĩ tôi đặc biệt ngưỡng mộ là Trương Quốc Vinh, một trong số ít ngôi sao thể hiện xuất sắc những vai đồng tính luyến ái, được mệnh danh là chàng “hoàng tử đồng tính” của làng giải trí Hong Kong.1
Đồng tính luyến ái nam không phải là “đặc ân” cho một số nghề nghiệp liên quan nhiều tới phụ nữ, như thời trang, may mặc, làm đẹp. Nói cho đúng, gay tìm đến với những nghề đó bởi con người họ, tâm hồn họ phù hợp với chúng, chứ không phải những nghề nghiệp ấy làm cho người ta nữ hóa hay trở thành đồng tính luyến ái.
Tài năng và tài hoa ở nhiều người đồng tính là có thật. Nhưng vì thế mà xã hội nảy sinh quan niệm, “chữ đồng tính gắn với chữ tài một vần”. Dĩ nhiên, điều ấy không phải chân lý tuyệt đối. Giới tính thứ ba cũng giống như một xã hội thu nhỏ, nghĩa là có đủ người tốt, kẻ xấu, người tài, kẻ bất tài v.v…
Nhưng có lẽ, từ quan niệm trên mà dư luận đồn rằng một số nhân vật trong giới văn nghệ sĩ lấy sự không rõ ràng về giới tính như một cách để chơi nổi, thu hút sự chú ý, làm cho thiên hạ tưởng rằng mình có tài. Thú thực, tôi không tin vào chuyện này. Tôi chưa thấy một trường hợp nào giả vờ đồng tính luyến ái, lấy cái đó như công cụ để kiếm lợi. N. bạn tôi vốn là một ca sĩ khá nổi, từ ngày có tin đồn anh bị đồng tính luyến ái, tiếng tăm của anh xuống hẳn và bây giờ thì người ta chỉ nhắc tới anh với thái độ miệt thị hoặc giễu cợt. Lượng fan của anh chắc cũng giảm đáng kể vì không ai muốn mang tiếng thích thằng pêđê. Tôi không nghĩ có nghệ sĩ nào liều lĩnh tới mức tạo cho mình thương hiệu gắn với sự đồng tính.
Dư luận cũng cho rằng trong xã hội hiện nay, có xu hướng tự đồng tính hóa: Nhiều người, chủ yếu là các bạn trẻ, thích và rèn luyện để thành đồng tính. Gay và lesbian hóa ra lại như một phong trào, một thứ mốt. Tôi không nhận thấy xu hướng ấy, có thể do chưa được tiếp xúc với những người đồng tính theo mốt bao giờ. Nếu có hiện tượng ấy, có lẽ do tuổi trẻ thích sự độc đáo, thích thể hiện cá tính, tạo cho mình nét khác người. Qua thời gian bồng bột, ai rồi cũng sẽ trở lại bình thường. Bởi vì đồng tính là bẩm sinh, không phải một sự lựa chọn, càng không phải qua rèn luyện mà có. Nếu trong con người một bạn trẻ đã sẵn có khuynh hướng đồng tính, việc chạy theo mốt thực ra chỉ là hành động đưa bạn trẻ đó trở về với con người thật bị che khuất của mình. Ngoài ra còn bởi lẽ, đồng tính có nghĩa là bất hạnh. Nếu thực là người đồng tính, bạn sẽ hiểu điều đó và chẳng hơi đâu bắt chước, a dua để được bất hạnh.
k
Người ta cũng hay nói dân đồng tính làm ăn rất có lộc, kinh doanh gì cũng ra tiền. Chị Kim bảo: “Gớm, cái bọn đồng cô vừa bán hàng vừa chửi khách mà người ta vẫn đến mua. Còn mình chiều khách bỏ xừ đi mà người ta cứ ngoe nguẩy. Đúng là đồng cô lắm lộc”. Nghe đồn nhiều bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) còn chấp nhận lấy chồng hi-fi vì quan niệm duy tâm “cứ dây vào đồng cô là có lộc”, trời bắt bọn đồng cô mất cái này thì phải cho chúng nó được cái kia chứ.
Về sự may mắn của dân đồng tính trong kinh doanh, tôi không chắc. Cũng giống như giới dị tính, nhiều người trong giới chúng tôi có cuộc sống khá giả, ít nhất cũng không thiếu thốn gì. Nhưng tôi không nghĩ tiền tự nhiên mà đến với họ như một cách trời bù đắp cho những con người bất hạnh. Chúng tôi làm ăn khấm khá hơn đơn giản vì chúng tôi cần cù và có cái đức cẩn thận, tỉ mỉ của phụ nữ. Còn tại sao người đồng tính lại đặc biệt cần cù và tiết kiệm thì là một chuyện khác. Bởi vì chúng tôi bắt buộc phải có nhiều tiền để nuôi tình nhân! Từ bao lâu nay dân đồng tính đều thế. Như tôi, bao nhiêu năm nuôi trai, tốn kém vô cùng, chẳng còn cách nào khác là phải bươn chải, chắt bóp, tằn tiện. Đã không phải phụ nữ, không có địa vị xã hội, lại còn nghèo khổ, không tiền bạc thì lấy gì để cuốn hút đàn ông?
Dân đồng tính vừa chăm chỉ, căn cơ và kiên nhẫn như phụ nữ, lại vừa có tính mạnh mẽ và quyết liệt của đàn ông, nên một tỷ lệ cao trong số chúng tôi kinh doanh thành công vì thế. Ở đây phải nói thêm, mạnh mẽ là trong kinh doanh mà thôi, còn trong quan hệ luyến ái, quan hệ tình dục, tâm lý của gay lại là tâm lý phái yếu, chúng tôi muốn mình giữ vai trò yếu hơn và thụ động hơn.
Giới đồng tính có những nhân vật giàu của chìm của nổi, cỡ tỷ phú tiền Việt, mà người ta thường hay gọi họ là các đại gia. Nhạy bén với thời cuộc, nắm bắt rất nhanh nhu cầu tiêu dùng, họ đi đầu trong việc khai mở ra những thị trường mới, và giàu lên nhờ thế. Có người làm chủ chuỗi cửa hàng thời trang Việt, người khác mở những quán trà lầu. Rồi buôn bán bất động sản, kinh doanh dịch vụ làm đẹp, trang điểm, chụp ảnh cưới, thiết kế thời trang v.v…
Giới đồng tính còn có nhiều người ở mức như tôi, không được học hành gì (do hoàn cảnh gia đình thời trước), không có nghề nghiệp ổn định ở cơ quan nào, phải tự bươn chải kiếm sống, tức “hành nghề tự do”. Nghề tự do thường là buôn bán nhỏ. Chịu khó lam làm, mua tận gốc bán tận ngọn, thu nhập cũng tốt. Bạn bè tôi có người bán bún riêu ở chợ Đồng Xuân, người bán hoa quả gần bệnh viện Việt Đức, mỗi tối kiếm ngót ba trăm nghìn đồng. Bản thân tôi buôn bán thịt bò, quần áo, kinh doanh băng đĩa, mở hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi… nói chung cũng dư dả, nhất là khi không phải nuôi cả một gia đình.
Giới đồng tính cũng có người nghèo, thất học, không nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào bố mẹ, anh em. Với những người có thể coi như ở tầng lớp thấp nhất xã hội này, cơ hội tìm kiếm bạn tình càng khó khăn gấp bội. Ngược lại, cũng không thiếu những trí thức học cao, có học vị học hàm tiến sĩ giáo sư, bằng cấp trong và ngoài nước. Những nhà thiết kế thời trang, người mẫu, diễn viên, ca sĩ hào hoa phong nhã. Thế giới của họ phong lưu và sang trọng, choáng lộn xe hơi, lấp lánh những dạ hội ánh sáng, ngạt ngào hương nước hoa và mùi thơm của mỹ phẩm đắt tiền. Tôi không biết với họ, cơ hội để có một tình yêu bền đẹp là nhiều hay ít, có lẽ nhiều hơn những người đồng tính sinh ra và lớn lên ở tầng lớp dưới. Tuy nhiên, tôi chắc rằng cho dù thuộc gia tầng nào của xã hội, những người đồng tính vẫn chia sẻ một điểm chung, đó là trái tim khao khát yêu và được yêu.
Giới nào trong xã hội cũng đều có mặt dân đồng tính. Với tôi và các bạn của tôi, đọc tới đây hẳn độc giả đã thấy, chuyện của chúng tôi cũng chẳng có gì nhiều ngoài việc bươn chải nuôi trai, lận đận với bao cuộc tình, để rồi luôn chịu thiệt thòi hơn những người bình thường. Khi bạn là người bình thường, bạn sẽ có mái ấm gia đình, vợ chồng con cái hạnh phúc. Còn khi bạn là gay như chúng tôi, bạn sẽ không có hạnh phúc mà càng chẳng có tương lai.
Bong het chua vay Kin, sao lau k thay Kin post tiep. Chac la dao nay dang ban ron nhieu ha…