#246: HÀ KIN “KHÔNG LẠC LÕNG Ở NEW YORK”

Biết Hà Kin từ cái thuở cô bé này bé xíu mà có riêng một website hoành tráng (khi người Việt còn chưa biết blog là gì). Hà Kin học Ngoại giao, đi làm ở Bộ Ngoại giao như một viên chức nghiêm túc, rồi lại rời Bộ Ngoại giao để quay lại New York học… nhiếp ảnh! Cô bé này đa tài, vẽ tranh, chơi đàn, hát rất hay và bây giờ là chụp ảnh. Nhưng người ta biết đến em nhiều nhất có lẽ sau sự kiện cuốn sách Chuyện tình New York là best seller năm 2007 của các tác giả trẻ ở Việt Nam. Hà Kin đang ở New York, và không từ chối cuộc phỏng vấn này cho chuyên mục KẾT NỐI NGƯỜI VIỆT TRẺ của Thanh Niên.

NEW YORK CŨ VÀ MỚI


* Chào Hà Kin, sự nghiệp học tập và “nghiên cứu” New York của em đến đâu rồi?

– Chào chị. Em vừa có một năm không được thỏa mãn và tốt đẹp lắm. Nhưng tình hình học tập và “nghiên cứu” của em năm qua thì vẫn tạm ổn, ít nhất là có những sự tiến bộ hơn hẳn và được gần như em mong muốn.

* Em đã học được gì và đang làm gì ở nơi đây, trong lần quay lại thứ 2 này?

– Em đã học được một phần những gì em cần và đặt ra khi sang đây. Đó là những hiểu biết cơ bản và đầu tiên về nhiếp ảnh và nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Đó là điều lớn nhất trong năm qua đã làm được, còn học được những gì ngoài đây thì vô cùng, bởi mỗi ngày qua đi, dù ra khỏi nhà hay ngồi nhà trên mạng – là những sàng khôn. Ngoài một số chuyến đi ước mơ được nảy sinh ngoài dự định thì năm qua em chưa làm được gì lớn để tự hào hoặc thỏa mãn đủ để kể cả.

* Quay lại New York, có điều gì khác và điều gì vẫn thấy cũ với Hà Kin?

– New York vẫn cũ, kinh tế có suy thoái hơn, người vẫn đông, subway vẫn bẩn, Times Square vẫn rực rỡ. Điều khác là nằm trong suy nghĩ của mình lớn lên mà thôi.

* Theo Hà Kin, những điều gì sẽ là rào cản chính làm cho một người Việt khó hòa nhập nhất ở một nơi như New York?

– Thực ra em không hiểu và tham gia nhiều lắm vào thế giới cộng đồng người Việt để có những lý do thật chính xác cho chuyện này. Nhưng cũng có thể có một vài lý do rất rõ rệt mà ai cũng có thể nhận thấy. New York là một nơi pha trộn mọi nền văn hóa thế giới và có tính chất quốc tế hóa hơn bất kỳ một bang nào khác của nước Mỹ. Tuy nhiên, dù thế nào thì đó vẫn là nước Mỹ, và văn hóa “quốc tế hóa” chính là nền văn hóa rất đặc trưng của Mỹ, chỉ là nó đậm đà hơn những nơi khác. Có rất nhiều lý do để khiến một người không phải là “bản địa” không thể hòa nhập với nơi họ đang sinh sống. Có lẽ người Việt cũng có nhiều lý do tương tự như những người châu Á khác trên đất Mỹ. Nhưng cũng nên chia ra nhiều đối tượng người Việt, vì những đối tượng khác nhau sẽ có những rào cản khác nhau. Chẳng hạn, với người Việt là dân lao động, làm những công việc chân tay vất vả, thì họ là những người khó hòa nhập với dân bản xứ nhất. Công việc bận bịu, đặc thù tính chất lao động không phải tiếp xúc bằng ngôn ngữ tiếng Anh khiến họ chỉ có một mục đích lớn là kiếm đủ tiền sinh sống cho gia đình.

Đối tượng thứ hai là du học sinh hoặc nghiên cứu sinh, vấn đề ngôn ngữ không phải là rào cản, nhưng họ không phải sinh ra và lớn lên từ trong nền văn hóa như kiểu New York. Họ vẫn có thể ăn, ngủ, party, học hành cùng người Mỹ, nhưng không thể nào là người Mỹ được.

Đối tượng thứ ba, là những người chưa hẳn là Việt Kiều, nhưng sinh sống và làm việc lâu năm tại New York (với giấy tờ hợp lệ và ở những công sở lớn), họ là những người hòa nhập được tới 70% với nhịp sống của đất New York, đa phần những người này có thu nhập khá và rất thích nhịp sống nhộn nhịp nơi đây. Nhưng họ vẫn có xu hướng tìm bạn và quan hệ với người Việt nhiều hơn là tìm những người bạn tây. Vấn đề vẫn nằm ở chỗ không chỉ là văn hóa, quan điểm khác biệt, mà vấn đề ngoại hình, màu da cũng là một vấn đề tác động khá. Phụ nữ và đàn ông cũng có những sự hòa nhập khác nhau. Chẳng hạn một cô gái Việt có thể party và chơi với nhiều bạn trai tây hơn là một người đàn ông Việt có nhiều bạn gái tây.

Đối tượng cuối cùng là Việt Kiều và những người sinh ra lớn lên tại đây. Những thế hệ được sinh ra và lớn lên tại đây, thì ngoài màu da và ngoại hình của họ không giống với những “New Yorkers tây” khác, còn lại thì họ có thể hòa nhập được ít hơn hoặc hoàn toàn (tùy thuộc vào cách giáo dục của gia đình). Điều này thì đã tương đối rõ ràng và dễ hiểu. Tuy nhiên, sự hòa nhập tại New York sẽ dễ dàng hơn với tất cả những nơi khác, vì đặc thù đã nói ngay ban đầu. Nơi đây cũng có nhiều chủng tộc châu Á khác nhau, đặc biệt là người Trung Quốc, nên người Việt cũng ít khi thấy mình thực sự bị lạc lõng.

* Và ngược lại, những điều gì sẽ làm cho một người từng sống ở New York sẽ khó hòa nhập nhất khi quay trở lại Việt Nam?

– Không chỉ người Việt ở New York, mà bất kỳ người Việt ở đâu xa quê hương khi trở về sẽ khó hòa nhập ở Việt Nam. Có người có thể sẽ mãi mãi không bao giờ hòa nhập được, hoặc có người sẽ phải mất rất nhiều thời gian cùng những sự “kiên nhẫn” và “chịu đựng” thì mới có thể trở lại một phần của Việt Nam.

New York là nơi nhịp sống rất tự do và phóng khoáng, là nơi chấp nhận và ủng hộ mọi cá tính riêng biệt. Không tính tới sự khác biệt hoàn toàn về văn hóa và trình độ phát triển. Vậy nên, bất kỳ một người nào đã sinh sống và quen thuộc với nền văn hóa này thì hiển nhiên là không thể nào có thể quen được khi trở về Việt Nam. Việt Nam vẫn là nền văn hóa phương đông, còn nhiều quan điểm và suy nghĩ “cũ”, bản chất của người Việt, cộng thêm trình độ phát triển chênh lệch quá lớn so với New York sẽ khiến những người lâu ngày ở đây khi trở về ít nhiều sẽ bị “sốc”. Điều này là rất hiển nhiên và dễ hiểu.

Cách bớt sốc lớn nhất và để hòa nhập, đó là luôn luôn phải trở về Việt Nam khi có cơ hội và chịu khó tìm hiểu tình tại nhà. Bởi những người mà ít về và ít quan tâm tới Việt Nam nhất là những người bị sốc nhiều nhất và khó hòa nhập nhất.

* Em đã từng viết rằng em đau lòng khi nghe tin 2 tòa tháp bị khủng bố vì em đã từng chơi ở đó trong lần đến New York lần thứ nhất. Cảm giác của em lần thứ 2 khi quay trở lại thì sao?

– Đúng vậy. Không xét về khía cạnh đó là nơi đã gắn bó nhiều năm kỉ niệm tuổi thơ của mình, thì xét về điều lớn lao hơn so với những con người khác: đó là một công trình vĩ đại của thế giới (chứ không phải là chỉ của New York hay chỉ là nước Mỹ), và những người đã tử nạn đều là những người dân thường như bất kỳ ai trong chúng ta. Nếu như suy nghĩ rất hạn hẹp, rất ích kỷ, thì nhiều người cho rằng việc sụp 2 cái tòa nhà đó là “đáng đời nước Mỹ”. Họ nói vậy là bởi vì họ không hiểu gì về nước Mỹ, không hiểu gì về con người Mỹ, lớn hơn là họ không hiểu nổi giá trị cuộc sống của nhân loại là nằm ở đâu. Nghe thì thật là lớn lao và lý thuyết, nhưng nếu có thể đi thật nhiều, tới cả nơi giàu nhất và nghèo khổ nhất, thì sẽ hiểu được những giá trị lớn lao đó, thay vì ngồi một chỗ để phán và đầy căm hận (một cách rất thiển cận).

Từ ngày quay lại New York, em chỉ đi qua chỗ đó một lần và nhìn lại mảnh đất trống hoác, nó không mang lại cảm giác gì vui vẻ, chỉ là nhìn ngắm lại kỉ niệm, nên chắc cũng không có gì nhiều để nói. Cảm giác khi lần đầu thấy nó bị sập, có nhiều thứ đáng để nói hơn.

EM KHÔNG THỂ Ở MÃI MỘT CHỖ…


* Thế còn việc “làm ăn” của em ở nước ngoài thông qua chính công việc mình yêu thích có những kỷ niệm gì đáng nhớ nhất? (Trục trặc kỹ thuật, deal tiền bạc, bị… xù…)

– Việc “làm ăn” của em không có đặc thù giống người khác. Facebook và blog là nguồn kết nối em với bạn bè khắp nơi trên thế giới, họ tới vì những câu chuyện và những bức ảnh của em. Và từ đây giữa em và họ có những “phi vụ làm ăn” không giống ai. Đó là em sẽ nhận chụp ảnh cho bất kỳ ai có nhu cầu, “cái giá” họ phải trả cho em, sẽ là những chuyến đi, những thứ và những đồ em muốn (nhất là thứ gì liên quan đến âm nhạc và…máy móc). Chẳng hạn, riêng năm sau, em sẽ được đi châu Âu, đi khắp các bang nước Mỹ để tới những nơi có người muốn em chụp ảnh cho họ. Đấy là cái lớn nhất và thú vị nhất về cái gọi là “làm ăn” của em, là thứ rất đáng tự hào và em biết không phải ai cũng có thể làm được nhờ nhiếp ảnh.

Còn tất nhiên, có thể nói một năm vừa qua là một năm không được suôn sẻ và có rất nhiều điều không vui. Không phải lúc nào mình cũng gặp được những người tốt và thú vị để mang đến những trao đổi thú vị cho mình. Có những người cũng tìm cách lợi dụng hoặc đòi hỏi rất buồn cười, hoặc không chịu “chi trả” như đã hứa, nhưng mà đó là cuộc sống mà, xét ra thì đó là những điều có ích. Nó làm mình khó chịu và nản chí nhất thời, nhưng về lâu dài lại là những kinh nghiệm tốt, cũng như tôi luyện thêm bản lĩnh để đối mặt với những thứ còn khó khăn hơn trong tương lai.

* Có khi nào em nghĩ và tìm cơ hội cho mình để ở lại New York mãi không? Có và không thì lý do tại sao?

– Em thích được bay nhảy. New York thật tuyệt và có rất nhiều thứ phù hợp với em, đón nhận những gì em thể hiện. Nhưng em không thể ở mãi một chỗ, bởi thế giới ngoài kia là rất rộng lớn và em muốn được đi nhiều và học hỏi nhiều. Em cần phải đi nhiều hơn nữa, và mỗi nơi chỉ ở lại một chút thì cũng vừa kịp hết tuổi trẻ mất rồi. Phải tranh thủ thôi!

EM TỰ TIN TỪ MẠNG ĐẾN ĐỜI!


* Một cuốn sách best seller như Chuyện tình New York trong một năm trời đã biến cô bé Hà Kin dễ thương thành một người nổi tiếng đến mức nhiều khi phải cáu kỉnh do hệ lụy của nó gây ra. Em đối mặt với điều đó có khó không?

– Sự “nổi tiếng” của em đến từ từ, nó làm cho em thích nghi từ từ, và sự nổi tiếng này chỉ nằm ở phạm vi một phần cộng đồng trên mạng. Ngoài ra, bản chất và nguyên nhân của sự “nổi tiếng” của em cũng mang những đặc thù riêng khiến em có thể yên ổn hơn những người khác. Những bức ảnh, bài viết, cuốn sách của em cũng chọn lọc đối tượng để được quan tâm. Ai thích du lịch, nhiếp ảnh, thích cuộc sống phóng khoáng và những điều mới lạ thì họ mới tìm đến em, mà những người như vậy, thì tuyệt nhiên là những người có suy nghĩ tốt và không làm phiền em nhiều. Còn tất nhiên, một khi đã gọi là “có tiếng”, thì sẽ bị chọc ngoáy và cố tình bị làm phiền, không khiến mình tránh khỏi cáu kỉnh. Em thích đi nhiều nhưng lại không thích sự ồn ào và muốn mọi người đến với mình bằng sự tự nhiên, bằng những gì em đã làm khiến họ thích, vậy nên những người “giời ơi đất hỡi” sẽ làm em hết sức khó chịu. Và hơn nữa, em cũng chỉ là một người bình thường, quỹ thời gian của em cũng đúng bằng một người bình thường, nên bị “làm phiền” nhiều hơn người bình thường là cũng đủ cáu kỉnh rồi.

Nhưng như em đã nói, em không khó khăn trong việc đối mặt với nó, vì ngoài việc em không phải là ngôi sao trong một đêm để bị sốc, thì em có cách tiếp nhận vấn đề theo cách riêng của em. Mỗi người khi tới làm phiền em, em cũng họ được một vài điều gì đó rất thú vị về họ. Ít nhất là học được tâm lý của những người có suy nghĩ và quan điểm giống hoặc khác, cách họ tiếp cận, tâm lý của chính bản thân mình khi phải đối mặt. Những điều đó giúp mình biết cách hiểu biết và cư xử trong cuộc sống, khi không phải lúc nào cuộc sống cũng bằng phẳng và theo ý!

* Dường như em ưa thích sự chia sẻ bằng ngôn ngữ viết, nhất là qua mạng internet. Tại sao vậy? Còn những networking ngoài đời của em, em “ứng xử” ra sao?

– Em thích cả ngôn ngữ viết lẫn ngôn ngữ hình ảnh. Em không phải là một người có văn thơ hay, nhưng em có cách truyền tải được những gì em đang nghĩ và thấy (cho dù chỉ bằng ngôn ngữ blog rất đời thường), và em được đón nhận, vậy nên tất nhiên là em lại càng…thích! Còn qua mạng internet thì là hiển nhiên, bởi bây giờ, không có sự chia sẻ nào tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng hơn internet!

Em vốn là một người không thích trên mạng một kiểu, ra ngoài đời một kiểu, để những người nghĩ về mình sẽ thất vọng. Nên ngay từ đầu trên mạng và ngoài đời của em đã là một cá tính. Em rất tự tin nếu thực sự có ai đáng để em gặp ngoài đời và không sợ họ bị thất vọng về mình.

Em đã có được những người yêu thương em như con gái, những người bạn coi em là thân thiết nhất và không ngừng quan tâm giúp đỡ em nhiều hơn nữa sau khi họ gặp được em ở ngoài đời. Thế giới trên mạng của em rất phong phú, và thế giới thực tế của em còn hơn cả thế. Bởi trên mạng là sự phản ánh một phần những gì em có ngoài đời, chứ không phải là ngồi một chỗ để tưởng tượng và sáng tác. Ai đã quan tâm theo dõi em, đều biết rõ điều này.

CÁI GÌ EM CŨNG THÍCH


* Tại sao lại là nhiếp ảnh? Em nghĩ gì về thứ ngôn ngữ này? Em thích ảnh nghệ thuật hay báo chí, tại sao?

– Tại sao là nhiếp ảnh ư? Rất đơn giản. Vì em có năng khiếu với nó và vì em rất yêu nó, và nó đã là một hành trình theo em từ những ngày em còn nhỏ xíu. Nhiếp ảnh là một thứ ngôn ngữ giúp thỏa mãn được cả nhãn quan và cảm quan. Một bức ảnh đẹp hay có ý nghĩa có thể giúp người thưởng thức nó, và tất nhiên, cả người tạo ra nó những cảm xúc mà có khi bằng cả một cuốn truyện dài hay cả một chương trình nghệ thuật lớn mang lại.

Em là một người không bao giờ áp đặt bất kỳ một quan điểm nào lên nhiếp ảnh. Một bức ảnh đẹp là đẹp, có ý nghĩa là có ý nghĩa, chứ không phải vì cứ phải là đàn bà chụp, đàn ông chụp, người già hay trẻ, Nikon hay Canon, Photoshop hay không photoshop, phải đúng “luật ảnh” hay không “luật ảnh”…..Đặt bất kỳ một quan điểm nào lên nhiếp ảnh sẽ khiến cho cảm nhận về bức ảnh không được như nó vốn được thế! Và với người chụp ảnh, thì càng phóng khoáng và cởi mở thì tác phẩm của họ mới càng độc đáo và đột phá.

Như em vừa nói, em yêu nhiếp ảnh và không quan tâm là ảnh báo chí hay nghệ thuật, chỉ cần nhìn ảnh biết phân biệt là tốt rồi. Ảnh nghệ thuật đẹp ở sự….nghệ thuật và ý tưởng, còn ảnh báo chí tập trung vào ý nghĩa sự kiện nhiều hơn. Điều gì cũng là cái đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh và cái gì em…cũng thích.

* Em có ôm đồm quá không khi đầy ắp trong em là khả năng sáng tạo ở nhiều mảng khác nhau và dường như em vẫn sẽ không ngừng lại ở nhiếp ảnh, sau nó sẽ là gì nhỉ? Thử đoán xem?

– Cái này là do bản chất của những người thích sáng tạo hoặc nghệ thuật, nó là tự nhiên vốn có chứ em cũng…chả muốn vậy. Nhiều khi trong đầu nghĩ nhiều quá, mà lại làm chưa được hoặc chưa xong, rất khó chịu và ức chế, lúc nào cũng không yên. Nhưng mà rồi ý tưởng và cái mới lại đến, lại phải….nghĩ, nên nếu hỏi em em có ôm đồm nhiều quá không thì em cũng…không biết làm sao cho hết ôm đồm nữa.

Em chưa thể biết được sau nhiếp ảnh sẽ là gì, nhưng cứ để tự nhiên nó đến và mọi người lại từ từ, chúng ta cùng chờ coi sao.

* Có phải em được một may mắn là gia đình yêu thương, ủng hộ, nhưng gia đình có coi em mãi là… một đứa con nít không?

– Đúng là em rất may mắn vì có gia đình yêu thương và ủng hộ. Nhưng việc gia đình coi em mãi là con nít hay không thì chắc là do….lỗi tại em. Nếu muốn không làm con nít nữa thì cũng không phải là khó, vì gia đình đã luôn ủng hộ em thì em làm gì họ cũng sẽ ủng hộ. Nguyên nhân “con nít” có lẽ là do em thích được có người bao bọc và “nuôi cố” trong khi em cần phải làm rất nhiều việc và kế hoạch trước khi đủ tiềm năng để “tự làm người lớn”.

* Em có rất nhiều mơ ước, em thường chia sẻ những mơ ước của mình với ai và thực hiện nó theo cách nào?

– Mơ ước em hay chia sẻ với bạn thân và những người có thể hiểu được những mơ ước đó. Nhưng thường em hay “chia sẻ” theo cách nửa đùa nửa thật, bởi vì chính bản thân em cũng không kỳ vọng vào bất kỳ vào những gì em làm, cứ để nó tự nhiên đến như trước giờ vẫn vậy.

EM ĐANG LỚN DẦN LÊN VÀ GIÀ ĐI


* Khó nhất để sống là gì?

– Là suy nghĩ mình đang rất khó sống.

* Ở New York em có quan hệ với cộng đồng người Việt bên đó không? Em thấy họ sinh sống và làm việc ra sao?

– Em có quen một số bạn chứ không quen hẳn một cộng đồng ở đây. Không hiểu nhiều lắm cụ thể về họ để phát biểu. Nhưng mà vừa rồi em cũng gặp bất ngờ về một số người, người em nghĩ khó chơi và không hợp thì lại chơi khá thân thiết về sau, người em nghĩ có thể tin tưởng và chơi được thì lại nảy sinh những tính cách bất bình thường và đáng sợ. Nói chung em thấy phức tạp, mà em thì không thích sự phức tạp trừ khi bị…lôi vào!

* Người Mỹ ăn Noel và tết tây, em thấy họ thế nào vào những dịp nghỉ lễ này? Có gì em cảm giác họ giống và khác ta?

– Có, có cảm giác rất giống. Đó là sự hồ hởi háo hức, đi mua sắm, mua vé tàu xe để hòa nhập và tụ tập gia đình, họ hàng, và ai cũng mong một năm mới tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Có lẽ ý nghĩa của lễ hội vốn là như vậy, không phân biệt bất kỳ dân tộc hay nền văn hóa nào trên thế giới!

* Hà Kin hôm nay khác thế nào so với hình dung của Hà Kin hoặc của bố mẹ em khi em còn nhỏ?

– Có khác, đấy là nhìn em đang lớn dần lên và…già đi!

* Sau Chuyện tình New York, hình như những người bạn của em đang chờ sự trở lại không nhạt nhòa của Hà Kin, dự định của em là gì?

– Em nghĩ em vẫn ở đây, em chưa đi đâu để trở lại. Nhưng có thể lâu lâu em lại có một điều gì đó để làm quà cho bạn bè và những ai thích tìm hiểu thế giới của em. Dự định đầu tiên của năm mới đó là…một cuốn sách mới có tên là Không chỉ là blog, mà còn… Cuốn sách là tổng hợp những chuyến đi, những câu chuyện, những bức ảnh, những điều thú vị em muốn chia sẻ, những điều đã làm nên một blogger Hà Kin như mọi người biết ngày hôm nay.

* Tết của Hà Kin năm nay sẽ như thế nào? Tết tây và Tết ta?

– Tết tây thì em sẽ ở bên hai người “bạn lớn” mới, hai người đã đem đến cho em bao may mắn và bất ngờ và coi em như đứa con gái, dù chỉ trước đó biết em qua mạng và chỉ gặp em một lần. Còn tết ta của em sẽ là ở bên ông bà ấm cúng, cùng một loạt kế hoạch mà em cũng mới…nghĩ ra.

* Cảm ơn em.



(Visited 157 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

9 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
An O Mai
An O Mai
14 years ago

Bài pv của nàng Khuê hỉ! dài thế này chả trách hôm nọ cứ rên rỉ mãi hahaha, nhưng mà thành qủa thì rất thú vị. Một bài phỏng vấn mà cả người hỏi lẫn nguời trả lời đều rất thông minh. Chúc mừng cả 2 nhé ;;)

Dzúa
Dzúa
14 years ago

hihi, có ai bảo em trả lời phỏng vấn mà xưng “mình” thiệt là teen, giờ người đấy xưng là “em” thì sao nhỉ? hihihi Btw, bài phỏng vấn rất hakin 😀

Tracy
Tracy
14 years ago

Hi Hakin,

I liked your interview, you sound a honestly and fun girl. I liked your photos too. I am also from NY. How can join with Vietnamese group with you guys.

Thủy Bông
Thủy Bông
14 years ago

Tớ đặc biệt thích cái ảnh thứ 2 từ trên xuống của Kin! Nhìn wild, là lạ, xinh, cá tính!

evolon
evolon
14 years ago

Em thích bài phỏng vấn này, công nhận cả người hỏi và người đều rất thông minh.
Nhìn thoáng qua toàn thấy chữ dài dằng dặc, nhưng khi đọc rồi thì ko dứt ra được.
Trông chị vô cùng cá tính ý. Rất thu hút

Ms Moon
Ms Moon
14 years ago

Ui giui! Đọc bài phỏng vấn này hụt hơi quá!Kin trả lời pv sâu sắc như người nhớn í (ngưỡng mộ)!Khác hẳn với vẻ nhỉ nhảnh con nít ở bên ngoài khi gặp bạn bè!hiiii!

Thái Hà
Thái Hà
14 years ago

Hà rất thích những tấm hình chụp Kin, nhìn mãi không hề chán mắt. Hà thấy tấm ảnh và phong cách viết suy nghĩ của Kin rất giống nhau, đó là có thể nhìn mãi hoặc đọc mãi mà vẫn thấy hay và thú vị. Hà rất thích tấm ảnh da nâu và khuyên tai tròn. Đôi mắt và nụ cười thật tuyệt!

Weijie
Weijie
14 years ago

Những câu trả lời thật thông minh, sâu sắc. Những bức ảnh thật tự nhiên, tươi sáng. Thích đôi mắt sâu, cuốn hút và nụ cười hồn nhiên, yêu đời.

Ha Kin
Ha Kin
14 years ago

Tình hình là í. Thứ nhất, bài này thì xưng là “Em”, nhưng lên báo thì chuyển hết thành tôi tớ rồi, bài này là bài nguyên bản thui!
Thứ nhì là, mình “được đề nghị” là phải trả lời dài í chứ, nên là mình ngồi cũng suy nghĩ ghê lắm cho nó….dài.
Và cuối cùng là…..khen hả? Mình thích, mình hun mỗi bạn một phát thật to, nhé!